Dữ liệu mở là một trong những nội dung được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm. Báo cáo “Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử” của Liên Hợp Quốc những năm gần đây đã đề cập nhiều đến dữ liệu nói chung và dữ liệu mở.
Theo các chuyên gia, dữ liệu mở, đặc biệt là dữ liệu mở của chính phủ, là một nguồn tài nguyên lớn cần được khai thác một cách hiệu quả. Có thể kể đến môt số lợi ích dữ liệu mở của cơ quan nhà nước mang lại như nâng cao tính công khai, minh bạch; thúc đẩy việc trao quyền cho mọi người dân, doanh nghiệp, tổ chức; góp phần cải thiện và tạo ra các dịch vụ và sản phẩm mới; tạo điều kiện cho hoạt động đổi mới sáng tạo...
Tại Việt Nam, vai trò, tầm quan trọng của dữ liệu và dữ liệu mở đã được đề cập trong nhiều chương trình, kế hoạch. Nghị định 47 năm 2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẽ dữ liệu số của cơ quan nhà nước đã có nội dung về “dữ liệu mở của cơ quan nhà nước”, thể hiện sự tích cực của Việt Nam khi sẵn sàng cung cấp dữ liệu mở cho cộng đồng, người dân, doanh nghiệp.
Chương trình chuyển đổi số quốc gia cũng đặt mục tiêu giai đoạn đến năm 2025 từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước và đến năm 2030 mở dữ liệu cho các tổ chức, doanh nghiệp, tăng 30% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, từ tháng 8/2020, Bộ TT&TT đã đưa vào vận hành cổng dữ liệu quốc gia tại địa chỉ Data.gov.vn làm nền tảng, phương tiện triển khai quản trị dữ liệu quốc gia và mở dữ liệu Chính phủ cho xã hội, cộng đồng.
Đến giữa tháng 8/2022, Cổng Data.gov.vn đã có hơn 10.600 tập dữ liệu, trong đó các chủ đề có nhiều tập dữ liệu lần lượt là xã hội với 9.989 tập dữ liệu, công nghệ (117), lao động (109), giáo dục (97). Các cơ quan cung cấp dữ liệu nhiều nhất là Đại học Quốc gia Hà Nội với 10.045 tập dữ liệu, tiếp đến là Bộ TT&TT với 142 tập dữ liệu, Bộ LĐTB&XH (107), Bộ GD&ĐT (97), Bộ Y tế (65), Bộ TN&MT (50).
Bên cạnh đó, một số bộ, tỉnh đã có chủ trương cũng như xây dựng cổng dữ liệu mở. Đơn cử như, Cổng dữ liệu mở TP.HCM tại địa chỉ opendata.hochiminhcity.gov.vn; hệ thống dữ liệu mở tỉnh Thừa Thiên Huế tại địa chỉ data.thuathienhue.gov.vn; hay cổng dịch vụ dữ liệu của thành phố Đà Nẵng tại địa chỉ congdulieu.vn...
Tuy vậy, theo thống kê mới nhất của Bộ TT&TT, nhiều cơ quan chưa chủ động cung cấp dữ liệu mở ra bên ngoài. Tính đến hết quý III/2022, mới có 9% bộ, ngành, địa phương cung cấp dữ liệu mở. Việc chậm cung cấp dữ liệu mở dẫn đến hạn chế sự tham gia của xã hội vào thúc đẩy chuyển đổi số.
Cũng theo Bộ TT&TT, nguyên nhân chủ yếu khiến các cơ quan, tổ chức chưa thực hiện mở dữ liệu là lo ngại về tính đầy đủ, chính xác của dữ liệu, về quyền và trách nhiệm của cơ quan chia sẻ dữ liệu cũng như các biện pháp bảo đảm an toàn, thông tin mạng.
Mặt khác, nhu cầu khai thác dữ liệu của các cơ quan, tổ chức khác thì cao nhưng yêu cầu cụ thể nội dung, mục đích thì còn lúng túng. Nhiều cơ quan muốn lấy toàn bộ dữ liệu của đơn vị khác dẫn đến sự phát sinh vấn đề cần giải quyết giữa khai thác, chia sẻ dữ liệu và bảo đảm an toàn thông tin.
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ TT&TT cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần tích cực hơn nữa trong phát triển dữ liệu mở và mở dữ liệu nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cộng đồng.
Bộ TT&TT đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định ban hành Danh mục dữ liệu mở của cơ quan nhà nước ưu tiên triển khai. Tại danh mục này, Bộ TT&TT đề xuất 137 loại dữ liệu mở chia thành 14 nhóm chủ đề chính gồm: Giáo dục, CNTT và truyền thông, giao thông vận tải, khoa học, kinh tế, lao động, môi trường tài nguyên, nông nghiệp, tài chính, văn hóa du lịch, xã hội, xây dựng, y tế sức khỏe và chủ đề khác. Đồng thời, Bộ TT&TT đề xuất những nội dung mà các bộ, ngành, địa phương cần làm nhằm thúc đẩy việc cung cấp dữ liệu mở.
“Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành, các địa phương cần chi tiết hóa thành kế hoạch và triển khai nhanh chóng việc công bố dữ liệu mở của cơ quan nhà nước trong phạm vi quản lý của đơn vị mình để làm cơ sở kích thích phát triển kinh tế số, xã hội số”, Bộ TT&TT lưu ý.
Theo ictnews.vietnamnet.vn